So sánh sản phẩm
chọn tối đa 4 sản phẩm
EnglishVietnamese
93 & 95 Vũ Ngọc Phan, Đống Đa, Hà Nội.

Vì sao chúng ta lại có răng khôn? Có nên nhổ răng khôn không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trần Đắc Thắng – Khoa tiểu phẫu, implant; Nha khoa quốc tế Hà Nội – Seoul.
Tất cả chúng ta đều biết răng khôn có rất ít chức năng ăn nhai nhưng luôn tiềm tàng nhiều biến chứng hay gặp như hôi miệng do cắn má, dắt thức ăn, đau nhức, sưng lợi, nhiễm trùng vùng góc hàm và biến chứng nguy hiểm như viêm tấy lan tỏa vùng hàm mặt… Vì vậy nhổ răng khôn đã trở thành một thủ thuật thường quy trong nha khoa hiện đại.

 
Vì sao chúng ta lại có răng khôn? Có nên nhổ răng khôn không?

1. Răng khôn là gì?
Răng khôn, hay còn gọi là răng số 8, là chiếc răng mọc trong cùng của cung hàm. Về phương diện lịch sử, những chiếc răng này gọi là răng khôn vì chúng được mọc ở độ tuổi trưởng thành, từ 16 đến 25 tuổi.

Về số lượng, có thể không có răng khôn hoặc có từ 1 đến 4 răng số 8. Một số trường hợp được ghi nhận có cả răng số 9.
Khi răng khôn mọc thẳng, nó không hẳn giúp bạn ăn nhai tốt hơn mà sẽ đi kèm cảm giác hơi khó chịu. Nhưng nếu bạn có những cơn đau, dù là thoáng qua, hãy gặp nha sĩ càng sớm càng tốt.

2. Tại sao bạn cần nhổ răng khôn?
Do mọc sau cùng nên răng khôn có thể gây nhiều biến chứng nếu cung hàm không đủ khoảng hoặc khi răng khôn mọc sai vị trí. Khi đó, răng khôn gây nên những phiền toái như:
-       Khó vệ sinh dẫn đến sâu răng hoặc bệnh lý nha chu gây viêm tủy hay lung lay răng số 7, một răng có chức năng ăn nhai chính
-       Dắt thức ăn dẫn đến hôi miệng và sâu răng sinh đôi ở răng khôn và răng số 7.
-       Sưng đau, ê ẩm hàm dưới do lợi trùm, nguyên nhân do răng khôn chỉ bộc lộ một phần nên vi khuẩn phát triển dưới lợi trùm và hình thành nhiễm trùng.
-       Gây chen chúc răng đặc biệt là răng cửa hoặc gãy vỡ mô răng phía xa răng số 7.
-       Viêm tủy răng 7 dẫn đến phải điều trị tủy hay nhổ răng 7 vì lung lay nhiều.
-       Nang thân răng trong trường hợp mọc ngầm gây phá hủy xương hàm, tiêu chân răng lân cận.
-       Nhiễm trùng toàn thân hay làm nặng thêm tình trạng bệnh lý toàn thân.
Vì những biến chứng tại chỗ và toàn thân ở trên nên chủ yếu các răng khôn nên bị nhổ bỏ. Theo bác sĩ Louis K.Rafetto, đứng đầu tổ chức AAOMS, có đến 75-80% dân số thế giới gặp vấn đề với việc duy trì răng khôn khỏe mạnh. Vì vậy, nhổ răng khôn trở thành điều trị thường quy trên thế giới, đặc biệt các nước phát triển đã tiến hành nhổ răng khôn ở những đối tượng dưới 18 tuổi để giảm thiểu biến chứng và nâng cao hiệu quả lành thương sau phẫu thuật.

3. Liệu có thể giữ răng khôn.
Không phải tất cả răng khôn đều phải nhổ, một số trường hợp có thể bảo tồn như:
-       Răng mọc thẳng, cung hàm đủ khoảng, không bị kẹt bởi lợi.
-       Bệnh nhân bị mắc bệnh lý toàn thân giai đoạn nặng có thể trì hoãn việc can thiệp hoặc nhổ răng ở phòng mổ.
-       Mất răng số 6 sớm ở trẻ em. Trường hợp này có thể kéo răng khôn về trước để thay thế răng mất bằng phương pháp chỉnh nha.
Có thể giữ răng khôn song phải theo dõi định kỳ vì những nguy cơ tiềm tàng có thể tái phát hoặc xuất hiện. Theo tuổi tác, chúng ta dần có nhiều vấn đề sức khỏe trong đó bao gồm cả những hậu quả mà răng khôn để lại. Vì vậy, hãy chắc chắn dùng chỉ tơ thường xuyên, khám răng định kỳ hàng năm và gặp nha sĩ ngay khi có triệu chứng đau dù ở mức độ nhẹ.

4. Biến chứng nhổ răng khôn.
Sau khi nhổ răng khôn, bạn sẽ gặp những tình trạng khó chịu sau:
-       24 giờ đầu sau nhổ:
+ Đau: Việc đau sau nhổ hoàn toàn bình thường, hãy sử dụng thuốc giảm đau bác sĩ kê cho bạn nếu cơn đau nằm ngoài khả năng chịu đựng.
+ Chảy máu: hãy bình tĩnh, cắn gạc dự phòng nếu bạn thấy chảy máu tươi, màu đỏ quạnh trong miệng và không hề có những dây máu đông. Nếu chỉ thấy nước bọt hồng, chảy rỉ rả hay có những dây máu đông hoặc chỉ thấy có vị kim loại trong miệng là hoàn toàn bình thường. Nếu máu vẫn chảy sau khi bạn làm theo lời bác sĩ hãy liên hệ với phòng khám để được hướng dẫn cụ thể.
+ Sưng: đây cũng là triệu chứng phổ biến sau nhổ. Hãy chắc chặn bạn chườm đá tốt ngay sau nhổ tại đúng vị trí nhổ răng, việc này sẽ giúp rất nhiều trong giảm sưng và giảm đau.
-       3 ngày sau nhổ:
+ Đau và sưng: thông thường sẽ đau nhất ở ngày thứ 3 sau nhổ. Nhưng nếu ngày đầu tiên các bạn không đau và chườm đá tốt thì những ngày sau sẽ không có khó chịu nào. Tất nhiên, bạn sẽ thi thoảng thấy có đau nhẹ ở vùng nhổ cũng là hoàn toàn bình thường.
+ Tê ở vùng nhổ: tình trạng tê có thể do sưng mô mềm, chèn ép dây thần kinh gây ra nên đừng lo lắng, hãy liên lạc với phòng khám để được tư vấn cụ thể. Đây có thể là tình trạng tạm thời, kéo dài vài ngày, vài tuần song luôn được cải thiện tốt lên.
+ Viêm huyệt ổ răng ướt hay còn gọi là Nhiễm trùng huyệt ổ răng sau nhổ do quá trình nhổ có mảnh cao răng rơi vào huyệt ổ răng, dắt thức ăn do vệ sinh kém, sai cách…hoặc do không sử dụng đúng đơn thuốc của bác sĩ. Khi đó hãy liên hệ lại với phòng khám, bác sĩ sẽ làm sạch huyệt ổ răng khỏi cao răng và thức ăn và có thể cho bạn một đơn thuốc mạnh hơn.
+ Viêm huyệt ổ răng khô do giảm cấp máu, không hình thành cục máu đông ở huyệt ổ răng. Triệu chứng là đau dữ dội, hôi nhiều ở huyệt ổ răng, huyệt ổ răng trắng có kèm giả mạc vàng bám xung quanh, không có máu chảy hay cục máu đông khi khám. Tình trạng này do cấp máu kém ở bệnh nhân. Hãy quay lại phòng khám để được điều trị sớm
-       Đau và sưng nhiều, kéo dài: có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này: cơ địa nhạy cảm, mức độ khó và can thiệp nhiều….Hãy liên hệ với phòng khám để được xử lí sớm những vấn đề này nếu xuất hiện nhiều hơn 3 ngày.

5. Chăm sóc sau nhổ răng.
-     Cắn gạc: sau nhổ bạn sẽ cắn gạc khoảng 1 tiếng để cầm máu. Đồng thời cần hạn chế mút chíp, khạc nhổ và súc miệng trong ngày đầu để ổn định cục máu đông
-     Chườm lạnh tốt trong 24 giờ đầu, đặc biệt là 6 giờ đầu để giảm sưng và đau. Sau 24 giờ nếu đã giảm đau nhiều nhưng vẫn sưng to, vùng nhổ không ấm hơn bên đối diện, bạn có thể chườm ấm để nhanh hết sưng.
-     Ăn uống: nên ăn mềm ngày đầu tiên sau nhổ, tránh ăn đồ cứng và đồ quá nóng quá lạnh.
-     Uống thuốc theo đơn của bác sĩ.
-     Vệ sinh răng miệng: ngày đầu sau nhổ chỉ chải răng nhẹ nhàng vùng huyệt ổ răng, sang ngày hôm sau có thể vệ sinh răng miệng bình thường. Bệnh nhân vẫn có cảm giác rỉ ít máu hay có cảm giác tanh trong miệng là hoàn toàn bình thường.
 
Hiện nay, nhổ răng khôn đã không còn là điều trị gây nhiều sang chấn cho bệnh nhân nữa nếu các bạn lựa chọn được cho mình những địa chỉ phòng khám nha khoa uy tín, bác sĩ có tay nghề tốt. Tại nha khoa quốc tế Hà Nội – Seoul chúng tôi luôn ứng dụng những phương pháp nhổ răng mới nhất hạn chế sang chấn tối ưu để đạt hiệu quả không sưng không đau sau nhổ.

Để được tư vấn trực tiếp, quý khách vui lòng liên hệ qua hotline hoặc đăng ký trực tuyến qua page để được giải đáp thắc mắc.

 
___Bs. Đắc Thắng__

Chat Facebook